Những lời khuyên từ những người thành công trong kinh doanh hay đầu tư luôn là những điều hết sức quý giá bởi vì đây chính là con đường ngắn nhất để bạn đạt tới những thành công tương tự như họ.
Hay nói cách khác chúng ta có thể học sao chép những cơ chế làm việc, cách nghĩ hay cách làm của những người khi thành công đi trước và áp dụng vào hệ thống kinh doanh của mình.
Trong bài viết này Dinh Tien Thiet.com mời bạn tham khảo về một câu chuyện minh chứng quá trình thành công của một phụ nữ da đen cách đây hàng thế kỷ, ở thời điểm đó một người phụ nữ da đen sở hữu hàng triệu đôla quả thực là một điều gì đó vô cùng khó tưởng tượng.
Tuy nhiên chúng ta cũng cần xem xét vấn đề gì gì tác động đến người phụ nữ này để từ chỗ bà có một tài sản vô cùng lớn và đến ngày cuối đời thì bà lại trắng tay.
Những năm 1800, Mary Ellen Pleasant trở thành một trong những nữ triệu phú tự thân người Mỹ gốc Phi đầu tiên bất chấp những trở ngại mà bà phải đối mặt khi là một phụ nữ da đen.
Mary Ellen Pleasant có thể không phải là một cái tên quen thuộc với mọi người nhưng câu chuyện về con đường trở thành triệu phú của bà lại được tất cả doanh nhân vĩ đại của nước Mỹ biết đến.
Những năm 1800, Pleasant trở thành một trong những nữ triệu phú tự thân người Mỹ gốc Phi đầu tiên bất chấp những trở ngại mà bà phải đối mặt khi là một phụ nữ da đen.
Pleasant sử dụng những hiểu biết vốn có của mình để xây dựng danh mục đầu tư khổng lồ được cho là có giá trị lên tới 30 triệu USD. Nếu tính theo giá trị hiện nay, khối tài sản này có giá trị hơn 800 triệu USD.
Chấp nhận làm người hầu để nghe “lỏm” lời khuyên đầu tư
Sinh năm 1814, Pleasant phải sống xa cha mẹ từ nhỏ khi được gửi đi làm người hầu cho một gia đình da trắng ở Massachusetts, nơi nô lệ được cho là hành động bất hợp pháp từ cuối thế kỷ 18.
Ở đó, bà được học đọc, viết và làm việc ở một cửa hàng nhưng chưa bao giờ được tới trường lớp đàng hoàng. “Tôi thường tự hỏi mình sẽ thế nào nếu được đi học.
Thay vì sách vở, tôi nghiên cứu rất nhiều về đàn ông và phụ nữ”, Pleasant nói trong cuốn tự truyện xuất bản năm 1902.
Sau đó, bà chuyển tới San Francisco vào năm 1852 và ở đó suốt thời kỳ Cơn sốt vàng. Bà làm người hầu kiêm đầu bếp cho các doanh nhân giàu có.
Theo New York Times, những người đàn ông da trắng và giàu có thường không đề phòng một phụ nữ người Mỹ gốc Phi và Pleasant đã tận dụng điều này.
Pleasant thu thập được vô số lời khuyên đầu tư có giá trị cho bản thân bằng cách lắng nghe những cuộc trò chuyện của chủ nhân.
Một nhà sử học cho rằng bà đồng ý làm người hầu chủ yếu để nghe được lời khuyên đầu tư cũng như những câu chuyện lý thú xung quanh.
“Rất có thể công việc mà Pleasant làm chỉ là một vỏ bọc, vì rõ ràng bà ấy đã kiếm được tiền từ các khoản đầu tư của mình”, theo Lynn Hudson, tác giả viết cuốn The Making of “Mammy Pleasant” được xuất bản vào năm 2003.
Được biết, bà Pleasant kiếm được gần 500 USD mỗi tháng với công việc đầu bếp khi mới chuyển đến San Francisco lúc 38 tuổi. Bà đầu tư phần lớn tiền lương và tiền tiết kiệm vào bất động sản và những tài sản khác mà bà tình cờ nghe được, bao gồm các mỏ vàng và bạc.
Pleasant cũng mua lại nhiều doanh nghiệp trong nước và sau đó, khởi nghiệp trong lĩnh vực giặt là.
Đến những năm 1860, người phụ nữ này là chủ của một chuỗi cửa hàng giặt là và hàng loạt nhà trọ, nơi bà vẫn thường xuyên cải trang thành người hầu để không bị người khác đề phòng.
Bà làm quen với một nhân viên ngân hàng da trắng tên là Thomas Bell, người giúp bà theo đuổi một số khoản đầu tư.
Pleasant và Bell thiết lập mối quan hệ đối tác kinh doanh lâu năm và cũng nhờ đó cả hai trở nên cực kỳ giàu có.
Để tránh sự phân biệt đối xử hay những thắc mắc kiểu như làm cách nào một phụ nữ da đen có thể tích lũy được một khối tài sản lớn như thế, Pleasant được cho là đã để Bell đứng tên nhiều khoản đầu tư của mình, theo New York Times.
Hai người mua cổ phần của các công ty giặt là, nhà máy sữa, nhà hàng và cả ngân hàng Wells Fargo. Một số nhà sử học ước tính tổng tài sản của cả hai đạt hơn 30 triệu USD, tương đương gần 864 triệu USD ngày nay (tính dựa trên lạm phát).
Dùng tài sản để đấu tranh cho nô lệ
Trở thành người Mỹ gốc Phi giàu có vào những năm 1800, Pleasant không hề phô trương nhưng cũng không che giấu tài sản của mình.
Bà xây một căn biệt thự 30 phòng trị giá gần 100.000 USD (khoảng 2,4 triệu USD ngày nay) ở trung tâm San Francisco, hiện chính là khu Lower Pacific Heights của giới nhà giàu. Nhà sử học Lynn Hudson từng miêu tả đây là một căn biệt thự nhiều tầng mang phong cách Victoria với đồ nội thất xa hoa nằm trong khuôn viên rộng lớn.
Pleasant sống trong căn biệt thự đó cùng với Bell và gia đình của ông. Cho tới cuối thế kỷ 19, bà nắm trong tay nhiều bất động sản khác, bao gồm một trang trại rộng gần 400 ha ở Thung lũng Sonoma về phía đông bắc San Francisco.
Theo sau sự giàu có, Pleasant cũng phải đối mặt với sự thù hằn và tin đồn xấu xa. Một số người khi đó cho rằng bà chỉ là tình nhân của Bell, bà sử dụng tà thuật hay chê bai chuỗi nhà trọ của bà là nhà thổ.
Trong suốt cuộc đời của mình, bà Pleasant luôn hỗ trợ các vụ kiện có liên quan tới nô lệ với mong muốn chấm dứt hoàn toàn chế độ này. Đồng thời, bà hợp tác với Underground Railroad để giúp nô lệ trốn thoát. Underground Railroad hay Hệ thống Đường sắt ngầm là một mạng lưới đường đi bí mật và nhà ở an toàn được sử dụng bởi các nô lệ gốc Phi tại Mỹ để chạy trốn tới các tiểu bang tự do và Canada.
Trước khi tới San Francisco, Pleasant kết hôn với một thương nhân đa chủng tộc, người được cho là đã để lại gia tài cho bà khi qua đời.
Pleasant kết hôn hai lần nhưng đều không có con. Trong suốt những năm 1840, bà dùng tài sản thừa kế từ chồng để giúp vận chuyển nô lệ tới các bang ở phía bắc Mỹ và Canada.
Khi tới San Francisco, bà tiếp tục dùng số tiền đó vừa để hỗ trợ tài chính cho những người từng làm nô lệ trước đây vừa để gây dựng tài sản cho riêng mình.
Pleasant thường tìm việc làm và nhà ở cho những người Mỹ gốc Phi đã thoát khỏi chế độ nô lệ thông qua Đường sắt ngầm.
Bên cạnh đó, Pleasant sử dụng tiền của bản thân gây quỹ cho các hoạt động chống nô lệ.
Bà thừa nhận đã gửi 30.000 USD (hơn 850.000 USD ngày nay) tới nhà hoạt động bãi nô John Brown để hỗ trợ cho cuộc đột kích vào kho vũ khí liên bang tại Harper’s Ferry vào năm 1859, sự kiện dẫn đến cuộc nội chiến Mỹ sau đó.
Chết trong nghèo đói
Mặc dù những hành động của Pleasant giúp bà trở thành người nổi tiếng trong vùng (hiện có một công viên nhỏ ở San Francisco được đặt theo tên của bà), sự giàu có lại không theo bà đến cuối cuộc đời.
Sau khi đối tác đầu tư, Bell, qua đời vào năm 1892, vợ của ông đã kiện Pleasant để giành quyền kiểm soát khối tài sản trị giá hàng triệu USD.
Pleasant thua kiện chủ yếu vì tài chính của bà liên quan quá nhiều tới Bell, khiến việc chứng minh đâu là tài sản riêng của bà gặp khó khăn.
Chưa kể, danh tiếng của bà dần bị lu mờ bởi những lời buộc tội được giới truyền thông nhắc đi nhắc lại rằng bà từng điều hành nhà thổ và sử dụng tà thuật để gây ảnh hưởng đến ông Bell, Paris Review cho biết.
Kết quả, bà mất phần lớn tài sản và bị đuổi khỏi biệt thự ở San Francisco dù đã đưa ra được bằng chứng chứng minh bà là người thiết kế tòa nhà và trả tiền xây dựng.
Xem Thêm:
Pleasant rơi vào cảnh nghèo khó sau đó và buộc phải sống với bạn bè cho tới khi qua đời vào năm 1904 khi gần 90 tuổi.
Hãy Chọn Những Cuốn Sách Hay:
Tham khảo Nguồn: ndh